Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với nội dung phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học; phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học… nhận được nhiều phản hồi.
Khó phân định hành vi nào là xúc phạm danh dự, thân thể học sinh
Việc thầy cô xúc phạm danh dự, thân thể học sinh, theo Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình là có. Điển hình là giáo viên ở Hải Phòng ép học trò uống nước giẻ lau bảng, cô giáo ở Long An phạt học sinh quỳ gối… gây bức xúc dư luận thời gian qua. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ và đều bị xử lý. Việc đưa ra một điều luật xử phạt hành chính áp dụng cho giáo viên, ông Bình cho rằng không cần thiết và không phù hợp với môi trường giáo dục.
Nhà giáo ngoài trọng trách truyền thụ kiến thức cho học sinh còn phải dạy các em cách làm người, biết đúng/sai, nhận lỗi… Để làm điều này, đôi khi thầy cô sẽ đưa ra hình phạt, nói nặng với học trò. Ranh giới giữa hành vi xúc phạm hay không rất mong manh. Một cái đánh tay với người này có thể là bình thường, nhưng người khác cho là ghê gớm. “Để phân định đúng sai, thầy và trò sẽ phải đôi co, kể tội lẫn nhau…, làm xấu xí môi trường giáo dục”, ông Bình phân tích.
![]() |
Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn – Nguyễn Quốc Bình. Ảnh: NVCC. |
Mặt khác, theo Hiệu trưởng Bình, nhiều học sinh ngày nay vì được nuông chiều nên rất hư. Mối quan hệ giữa thầy và trò thời hiện đại được chuyển từ tôn kính sang bình đẳng. Nhiều em trong quá trình hình thành nhân cách chưa hiểu đúng khái niệm “bình đẳng” nên có lời lẽ, hành vi xúc phạm, gây ức chế cho giáo viên.
“Thầy cô cũng là con người, không tránh khỏi đôi lúc nóng nảy, ứng xử không hợp lý, nhất là hiện có quá nhiều áp lực đè nặng lên người thầy. Tuy nhiên, qua vài chục năm làm nghề, tôi nhận thấy hầu hết giáo viên đều yêu thương, mong muốn làm điều tốt cho học sinh”, ông Bình nói.
Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn cho rằng việc xử lý thầy cô giáo vi phạm đã có Luật viên chức, cao hơn là Bộ luật hình sự, tính răn đe cao hơn. Để ngăn chặn gốc rễ hành vi xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học, điều quan trọng nhất là tạo ra đội ngũ thầy cô có căn cơ, chuẩn chỉ về đạo đức, nghiệp vụ sư phạm. Một giáo viên như vậy, dù tình huống nào cũng biết ứng xử hợp lý. Giáo dục Việt Nam nhiều năm qua chưa làm tốt công tác đào tạo do lấy đầu vào thấp, không chú trọng dạy nghiệp vụ… nên nhiều người lúng túng khi xử lý tình huống.
“Ở các nước phát triển hầu như không có chuyện thầy cô xúc phạm danh dự, thân thể học sinh. Ngoài lý do trẻ được giáo dục tốt từ bé còn vì giáo viên được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng về cách thức ứng xử với học trò. Trường hợp nhà giáo xúc phạm, bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý hình sự”, ông Bình nói.
Trong những lần đi trao đổi, học tập ở nước ngoài, Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn biết Singapore có quy định về phạt đánh đòn học sinh. Điều này được ghi rõ trong sổ tay phát cho học trò, phòng hiệu trưởng nhà trường cũng có một chiếc roi. Tuy nhiên, không phải ai cũng được đánh đòn học sinh, cả trường chỉ có hiệu trưởng và giám thị trưởng được làm điều đó.
Hình phạt được quyết định bởi hội đồng kỷ luật nhà trường, căn cứ theo quy định về mức độ được phạt bằng đòn roi. Khi thực hiện, gia đình, ban đại diện cha mẹ học sinh, hội học sinh sẽ chứng kiến. “Việc đánh đòn khi đó là đánh về tinh thần để học sinh biết đã mắc lỗi rất nặng và không tái diễn”, ông Bình kể.
![]() |
Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng – thầy Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng – thầy Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng việc phân định hành vi nào là răn đe, hành vi nào là xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể học sinh rất khó, tùy vào quan điểm của từng người.
Mặt khác, trong nhà trường yếu tố giáo dục cần đặt lên hàng đầu, nếu giáo viên mắc lỗi cũng phải được giáo dục trước, tái diễn mới xử phạt. Đây cũng là cách trường THPT Đinh Tiên Hoàng áp dụng thành công những năm qua để giúp học trò ngỗ ngược thành lễ phép.
Lương giáo viên không đủ sống, lấy đâu ra tiền nộp phạt
Là giáo viên hợp đồng ở một trường THPT công lập tại Thái Bình, chị Mai mỗi tháng nhận được 3-4 triệu tiền lương, tùy số tiết đứng lớp. Nguồn thu đó không đủ để chị nuôi hai con đang học THCS nên phải làm thêm nghề đan nón. Nữ giáo viên cảm thấy áp lực khi biết dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục có quy định phạt 10-30 triệu đồng hành vi xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể học trò.
“Học sinh nhất quỷ nhì ma, đôi khi có lời lẽ, hành động xúc phạm thầy cô, chúng tôi cũng không phải lúc nào cũng kìm chế được. Giáo viên đôi lúc có thể mắng, bạt tai, đánh tay học trò. Nhưng nếu tất cả hành vi ấy, ở các mức độ đều được quy chụp là xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể các em thì thật nghiêm khắc. Lương dạy hợp đồng cả năm của tôi chẳng đủ để nộp phạt 30 triệu đồng cho một lần lỡ bị kết tội xâm phạm thân thể học sinh”, nữ giáo viên nói.
![]() |
Theo dự thảo, việc phân định thế nào là xúc phạm học trò hiện chưa rõ ràng. |
Một giáo viên ở Hà Nội đánh giá, dự thảo quy định xử phạt hành chính giáo viên chưa hợp lý và không tương xứng với mức lương ít ỏi của thầy cô. Dự thảo cũng không định lượng rõ ràng hành vi thế nào là xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể người học. Nếu áp dụng chung chung sẽ gây khó dễ cho giáo viên trong việc giáo dục học sinh vì bị quy kết phạm luật.
Nhiều giáo viên đề xuất, thay vì đưa ra quy định xử phạt để ngăn chặn hành vi vi phạm, nhà trường nên giúp thầy cô có nghiệp vụ sư phạm tốt hơn, hiểu biết về tâm lý giáo dục, để ứng xử hợp lý. Những hành vi có thể gây xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh, khi đó tự khắc sẽ không được định hình trong suy nghĩ của giáo viên.
Trả lời về dự thảo nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cho biết, mục đích là để ngăn ngừa hành vi sai phạm. Quy định xử phạt hành chính về xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể, theo đó cũng nhằm hướng tới việc hạn chế tình trạng bạo hành trong nhà trường, gây bức xúc dư luận như thời gian vừa qua. Ngoài xử lý giáo viên vi phạm, dự thảo cũng quy định xử phạt hành chính người xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo.
“Các quy định này hướng tới bảo vệ cả người học và người dạy, đồng thời đảm bảo cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau”, ông Bằng nói.
Thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, ngoài thanh tra giáo dục, còn có chủ tịch UBND các cấp. Một số quy định cụ thể trong từng lĩnh vực chuyên ngành có thể do đơn vị quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành văn hóa, thông tin, tài chính… xử lý.
vnexpress.vn